Các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đang gấp rút khảo sát, hỗ trợ đắc lực cho liên danh Tập đoàn T&T (Hà Nội) và Tập đoàn Erex (Nhật Bản) tìm địa điểm đầu tư nhà máy điện sinh khối.
Tỉnh Thanh Hóa có lợi thế lớn về nguyên liệu từ nông nghiệp và lâm nghiệp.
Ngày 10.4, thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh này vừa giao cho các sở và huyện liên quan phối hợp, hướng dẫn Tập đoàn T&T (Hà Nội) và Tập đoàn EREX (Nhật Bản) tìm hiểu, xúc tiến và thực hiện các thủ tục cần thiết để sớm đầu tư dự án nhà máy điện sinh khối trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa đã tiếp đón, làm việc với đoàn công tác của Tập đoàn EREX Nhật Bản,một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản về đầu tư, và phát triển năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu là đầu tư xây dựng các nhà máy điện sinh khối. Hiện Tập đoàn EREX đã đầu tư, xây dựng 5 nhà máy điện sinh khối ở Nhật Bản, với tổng công suất 500 MW, và đang có kế hoạch nâng lên 1.000 MW.
Tại Việt Nam, Tập đoàn EREX có kế hoạch đầu tư, phát triển các nhà máy điện sinh khối, dự kiến đến năm 2035 sẽ có tổng công suất 1.500 MW. Qua khảo sát, doanh nghiệp mong muốn được đầu tư từ 1 – 2 nhà máy tại tỉnh Thanh Hóa.
Các điều kiện Tập đoàn EREX đưa ra là cần có mặt bằng rộng từ 6 – 10 ha và không chồng lấn với các quy hoạch khác, nằm trong vùng có tiềm năng nguyên liệu lớn, thuận lợi giao thông để vận chuyển nguyên liệu về nhà máy, cách khu dân cư từ 300 – 1.000 m, cách đường điện 110 KV không quá 30 km.
Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết Thanh Hóa hiện có 532.460 ha đất rừng, với trữ lượng khoảng 16,64 triệu m3 gỗ, và hàng năm có thể khai thác 50.000 – 60.000 m3; hơn 900.000 ha diện tích đất nông nghiệp; 35 doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản tập trung, là những điều kiện cần thiết về nguồn nguyên liệu cho nhà máy điện sinh khối. Hiện các phụ phẩm nông nghiệp và lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay chưa được sử dụng, để lãng phí và đó sẽ là nguồn nguyên liệu bền vững nhà máy điện sinh khối. Do vậy, tỉnh Thanh Hóa mong muốn Tập đoàn EREX sớm đầu tư để có nhà máy điện sinh khối đầu tiên trên địa bàn tỉnh này.
Điện sinh khối (biomass power) là việc sử dụng sinh khối (biomass) để sản xuất điện năng. Trong tự nhiên, sinh khối bao gồm cây cối, cây trồng công nghiệp, tảo và các loài thực vật khác, hoặc là bã nông nghiệp và lâm nghiệp (rơm rạ, bã mía, vỏ, xơ bắp, lá khô, vụn gỗ…), giấy vụn, mê tan từ các bãi chôn lấp, trạm xử lý nước thải, phân từ các trại chăn nuôi gia súc và gia cầm.