Đảm bảo cung cấp điện 2022: Nhiệm vụ bất khả thi

Trong quý I/2022, tổng khối lượng than đã được cung cấp cho các Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) của EVN là 4,49 triệu tấn trên tổng số 5,85 triệu tấn theo hợp đồng đã ký (tương ứng tỷ lệ 76,76%). 

Một góc Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận). Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Như vậy, so với khối lượng than đã được ký trong hợp đồng thì lượng than được cung cấp cho sản xuất điện của EVN đã bị thiếu hụt 1,36 triệu tấn. Nếu không sớm có giải pháp khắc phục tình trạng này thì tình trạng thiếu điện có nguy cơ xảy ra từ tháng 4-2022.
Thiếu hụt than
Theo Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2022 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc, bao gồm cả sản lượng điện mặt trời mái nhà năm 2022 là 275,505 tỷ kWh, trong đó mùa khô là 133,622 tỷ kWh và mùa mưa là 141,883 tỷ kWh. Thông số đầu vào cơ bản để lập Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2022 bao gồm: Tốc độ tăng trưởng GDP, tần suất nước về các hồ thuỷ điện, khối lượng khí bao tiêu tại Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ cho sản xuất điện, mực nước đầu tháng của các hồ thủy điện trong năm 2022.
Cơ cấu sản xuất điện theo các loại nguồn điện, dự kiến điện năng sản xuất của các nhà máy điện và điện nhập khẩu các tháng năm 2022. Trong đó, các đơn vị phát điện có trách nhiệm chủ động thực hiện công tác chuẩn bị phát điện, bao gồm đảm bảo công suất sẵn sàng của các tổ máy và thu xếp nguồn nhiên liệu sơ cấp (than, khí, dầu) cho phát điện hàng tháng trong năm 2022; sản lượng mua bán điện thực tế của các nhà máy điện (theo hợp đồng mua bán điện, phương án giá điện) sẽ được xác định theo các quy định liên quan về giá điện và thị trường điện.
Theo đó, các đơn vị phát điện trong EVN đã ký hợp đồng cung cấp than sản xuất trong nước, gồm 2 loại than: Than trong nước và than pha trộn) cho sản xuất điện năm 2022 với Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc (TCT ĐB) với tổng khối lượng than là 23,5 triệu tấn (7,349 triệu tấn than trong nước và 16,151 triệu tấn than pha trộn). Trong đó, TKV cung cấp 17,420 triệu tấn (4,760 triệu tấn than trong nước và 12,660 triệu tấn than pha trộn), TCT ĐB cung cấp 6,080 triệu tấn (2,589 triệu tấn than trong nước và 3,491 triệu tấn than pha trộn).
Tuy nhiên, thực hiện giao nhận than lũy kế 2 tháng đầu năm 2022 đã xuất hiện tình trạng cung cấp thiếu than từ TKV và TCT ĐB. Cụ thể, theo tiến độ hợp đồng, TKV phải cung cấp 2,926 triệu tấn (0,814 triệu tấn than trong nước và 2,113 triệu tấn than trộn), trong khi đó, chỉ thực cấp 2,186 triệu tấn bằng 74,7% (1,799 triệu tấn than trong nước và 0,386 triệu tấn than trộn). Khối lượng than cấp thiếu là 0,74 triệu tấn.
Cũng theo tiến độ hợp đồng, TCT ĐB phải cung cấp 0,872 triệu tấn (0,367 triệu tấn than trong nước và 0,504 triệu tấn than trộn). Nhưng thực cấp là 0,657 triệu tấn bằng 75,3% (0,502 triệu tấn than trong nước và 0,157 triệu tấn than trộn). Khối lượng than cấp thiếu là 0,213 triệu tấn. Như vậy, TKV và TCT ĐB cấp thiếu than cho sản xuất điện của EVN trong 2 tháng đầu năm là 0,953 triệu tấn than.
Tính đến ngày 17-3-2022,  thực tế rót than ở cảng xếp hiện nay cho thấy TKV và TCTĐB việc cung cấp than tiếp tục thiếu hụt so với hợp đồng. Do khối lượng than TKV và TCT ĐB cấp thiếu nên tồn kho ở các NMNĐ đã giảm 0,793 triệu tấn so với ngày 31-12-2021, từ 1,32 triệu tấn xuống chỉ còn 0,528 triệu tấn (định mức tồn kho là 1,183 triệu tấn). Mức tồn kho hiện nay ở hầu hết các NMNĐ của EVN đều rất thấp. Vì vậy, đến ngày 25-3-2022 nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng dự phòng. Đó là, nhóm các NMNĐ than BOT (trừ NMNĐ Mông Dương 2 và Hải Dương); NMNĐ Vĩnh Tân 1 được cấp ở mức dự trữ  chỉ đủ cho khoảng 6 ngày vận hành; các NMNĐ Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 hiện nay chỉ đủ than vận hành 1 tổ máy ở mức 60 – 70% công suất; NM Hải Phòng chỉ đủ than vận hành cho 1 trong 4 tổ máy….
Toàn hệ thống thiếu hụt hơn 3.000 MW từ thiếu than. Căn cứ vào Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2022 thì thiếu hụt khoảng 900 triệu kWh/tháng.
Và thực hiện nhiệm vụ bất khả thi
Trong quý II/ 2021, do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhu cầu phụ tải điện cũng giảm sâu so với cùng kỳ năm 2020, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam. Đến tháng 10 – 2021, cùng với việc dịch đã được từng bước khống chế, Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, khởi động lại nền kinh tế. Để chủ động đảm bảo cung ứng điện đầy đủ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022. Bộ Công Thương đã đề xuất các giải pháp cụ thể đảm bảo cung cấp điện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và sinh hoạt của nhân dân với ba nguyên tắc chính: Bộ Công Thương, EVN tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và sinh hoạt của nhân dân, trong mọi tình huống không để xảy ra thiếu điện; Bộ Công Thương chủ trì chỉ đạo EVN, các đơn vị điện lực trên cả nước và các đơn vị liên quan bám sát tăng trưởng nhu cầu điện, tình hình khôi phục và phát triển kinh tế để cập nhật dự báo phụ tải theo các kịch bản phụ tải cơ sở, kịch bản phụ tải phát triển cao trong điều kiện bình thường và điều kiện bất lợi nhất của năm 2022 và các năm tiếp theo để chỉ đạo, điều hành; EVN giữ vai trò chủ đạo, chịu trách nhiệm chính trong đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế – xã hội và các nhu cầu xã hội.
Như vậy là ngay từ cuối năm 2021, Bộ Công Thương đã xác định cung cấp điện ổn định, liên tục đáp ứng nhu cầu phục hồi phát triển kinh tế và đời sống sinh hoạt của nhân dân là nhiệm vụ “bất khả thi”, có nghĩa là “trong mọi tình huống không để xảy ra thiếu điện”.  Vì vậy, ngày 11-3-2022, Bộ Công Thương có văn bản số 1225/BCT-DKT về việc “Đảm bảo cung cấp than cho sản xuất điện”, theo đó, yêu cầu Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo năng lực sản xuất than, thực hiện mọi giải pháp đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện theo đúng Hợp đồng mua bán/ cung cấp than đã ký (đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện BOT sử dụng than trong nước để tránh xảy ra tình trạng phía Việt Nam phải bồi thường do ngừng máy vì thiếu nhiên liệu). Trong bất luận trường hợp nào cũng không được để thiếu than cho sản xuất điện theo cam kết tại Hợp đồng mua bán/ cung cấp than đã ký; yêu cầu EVN có giải pháp điều độ phù hợp với tình hình thực tế cũng như thông báo kế hoạch huy động cập nhật hàng tháng cho Chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than để kịp thời thu xếp nguồn than cho sản xuất điện.
Theo EVN, vào thời điểm nắng nóng cao điểm của mùa khô năm 2022, công tác sản xuất điện từ nhiên liệu than đóng một vai trò hết sức quan trọng cho đảm bảo cung cấp điện, đặc biệt là các tháng 4, 5, 6, 7 tại khu vực miền Bắc.
EVN tính toán cân đối cung cầu điện toàn quốc theo 2 kịch bản phụ tải: Kịch bản phụ tải cơ sở, để đảm bảo điện cho phát triển kinh tế với tăng trưởng GDP từ 6,5-7% theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, dự báo nhu cầu điện tăng trưởng ~9%/năm;   Kịch bản phụ tải cao, để chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản nền kinh tế hồi phục và tăng trưởng mạnh, trong đó dự báo tăng trưởng nhu cầu điện năm 2022 là 11,5% và các năm 2023-2025 bình quân 10,36%/năm.
Qua tính toán cân đối cung cầu điện toàn quốc cho thấy, việc đảm bảo cung ứng điện thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong đó, đối với miền Bắc nhu cầu điện chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước. Trong khi đó các nguồn điện mới dự kiến hoàn thành hàng năm trong giai đoạn 2022-2025 luôn thấp hơn so với tăng trưởng phụ tải nên việc đảm bảo cung cấp điện ngày càng khó khăn và có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh vào các tháng 5-7 là thời điểm nắng nóng cuối mùa khô, công suất khả dụng các nhà máy thủy điện bị suy giảm. Việc hỗ trợ cấp điện từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc bị giới hạn bởi năng lực truyền tải 500kV Bắc – Trung.
Vì vậy, ngoài các giải pháp khác, cần thiết phải tăng cường năng lực truyền tải Bắc – Trung, trong đó đẩy nhanh tiến độ đầu tư tuyến ĐD 500kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu – Thanh Hóa – Nam Định – Phố Nối năm 2024-2025. Sau khi hoàn thành sẽ tăng thêm năng lực truyền tải giữa miền Trung và miền Bắc từ mức ~2.200MW hiện nay lên khoảng 5.000MW (tăng thêm 2.800MW); tập trung đầu tư các dự án lưới điện phục vụ giải toả công suất các NMTĐ nhỏ miền Bắc và các nguồn NLTT miền Trung, miền Nam.
Đối với khu vực miền Trung và miền Nam, cơ bản đáp ứng cung ứng điện trong cả giai đoạn 2022-2025, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn khó khăn trong trưởng hợp nhu cầu điện tăng trưởng theo kịch bản cao và/hoặc các nguồn điện lớn bị chậm tiến độ.
Trước mắt, từ tháng 4-2022, cần chỉ đạo các nhà cung cấp than lớn TKV, TCT Đông Bắc cung cấp đầy đủ, liên tục than cho hoạt động sản xuất điện; tăng cường cung cấp than trong nước cho các đơn vị phát điện. Không tăng giá than trong nước bán cho hoạt động sản xuất điện cũng như giá than trong nước tính toán trong phương án phối trộn than; nghiên cứu các phương án phối trộn, tối ưu hóa chi phí, các công đoạn sản xuất, tổ chức đấu thầu rộng rãi, công khai minh bạch giá than nhập khẩu để có giá than pha trộn phù hợp, không tăng quá cao; chỉ đạo các Bộ, Ngành kiểm soát giá than trong điều kiện giá bán lẻ điện chưa được điều chỉnh kịp thời.
Thanh Mai

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *